BẠN CÓ THỂ THAY ĐỔI NHÂN CÁCH BẢN THÂN KHÔNG?

BẠN CÓ THỂ THAY ĐỔI NHÂN CÁCH BẢN THÂN KHÔNG?
------------------------------------------------------------------------- Lê Thành Nhân (dịch)
Trong khi những cuốn sách và các trang mạng tự-giúp-đỡ hay đưa ra các kế hoạch nhằm làm cho bạn thay đổi thói quen và hành vi, thì có một niềm tin bền vững rằng những nhân cách cơ bản của chúng ta không thể bị tác động làm thay đổi. Nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud cho rằng phần lớn nhân cách của chúng ta được thiết lập trong 5 năm đầu đời. Ngay cả nhiều nhà tâm lý học hiện đại vẫn cho rằng tổng thể nhân cách là tương đối cố định và ổn định suốt cuộc đời.
Nhưng nếu bạn muốn thay đổi nhân cách của mình thì sao? Liệu với cách tiếp cận đúng đắn và những bước tiến hành khó khăn có thật sự giúp thay đổi nhân cách, hay chúng ta bị mắc kẹt với những đặc tính nhân cách không mong muốn – điều sẽ ngăn trở chúng ta đạt đến những mục tiêu?

Nhân cách là vĩnh viễn?

Khao khát thay đổi nhân cách không phải là hiếm gặp. Những người nhút nhát có thể mong muốn cởi mở và dễ bắt chuyện hơn. Những người nóng nảy có thể muốn giữ cho họ bình tĩnh hơn trong các tình huống bộc phát cảm xúc.
Nhìn chung, các chuyên gia đều đồng ý rằng việc thay đổi thật sự và lâu dài các nét nhân cách có thể là cực kỳ khó khăn.
Vì vậy, nếu bạn không hài lòng với một số khía cạnh trong nhân cách của mình, bạn có thật sự muốn làm gì đó để thay đổi nó không? Một số chuyên gia, bao gồm nhà tâm lý học Carol Dweck, tin rằng việc thay đổi các mô thức hành vi, thói quen và niềm tin ở bên dưới bề mặt của các nét nhân cách (ví dụ: tính hướng nội, tính dễ chịu…) là chìa khóa thật sự để thay đổi nhân cách.

Các yếu tố định hình nhân cách

Để biết được nhân cách có thể thay đổi được không thì trước tiên ta cần hiểu rõ chính xác điều gì hình thành nên nhân cách. Cuộc tranh luận xưa cũ giữa tự nhiên và nuôi dưỡng một lần nữa diễn ra. Nhân cách được định hình bởi di truyền (tự nhiên) hay bởi dạy dỗ, trải nghiệm và môi trường (nuôi dưỡng)? Trong quá khứ các nhà học thuyết và triết gia thường chon cách tiếp cận một bên (hoặc bên này hoặc bên kia) đề cao tầm quan trọng của một phía hoặc là tự nhiên hoặc là nuôi dưỡng, nhưng ngày nay hầu hết các nhà tư tưởng đồng ý rằng một sự kết hợp giữa 2 nguồn lực trên cuối cùng đã hình thành nên nhân cách của chúng ta.
Dweck liên hệ đến một câu chuyện về 2 cậu bé sinh đôi cùng trứng bị chia tách khi sinh và được nuôi dưỡng riêng biệt. Khi trưởng thành, 2 người đàn ông đó kết hôn với 2 người phụ nữ có cùng tên, chia sẻ cùng sở thích và có mức độ tương đồng về các kết quả ở các bài đánh giá nhân cách. Đó là một ví dụ cung cấp cơ sở cho ý tưởng rằng nhân cách của chúng ta phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát của chính mình. Thay vì được định hình bởi môi trường và những trải nghiệm độc đáo, những nghiên cứu sinh đôi cho thấy sức mạnh của ảnh hưởng di truyền.
Di truyền học chắc chắn là quan trọng, nhưng các nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng sự dạy dỗ và ngay cả nền văn hóa của chúng ta cũng có những tác động to lớn đến sự hình thành nên nhân cách và những yếu tố đó cùng với di truyền định hình nên chúng ta là ai.

Tập trung vào “trung đạo” của nhân cách có thể là điều then chốt

Nhưng Dweck cũng cho rằng sự thay đổi nhân cách vẫn là điều có thể. Bảng các nét nhân cách có thể ổn định trong suốt cuộc đời, nhưng Dweck tin rằng những phẩm chất của chúng ta nằm ở “trung đạo” (in-between) dưới bề mặt của những nét nhân cách chính yếu – những nét nhân cách quan trọng nhất cho thấy chúng ta là ai. Cô tin rằng những phẩm chất này có thể thay đổi.
Vậy chính xác thì phần “trung đạo” của nhân cách là những gì?
  • Niềm tin và hệ thống niềm tin (Beliefs and belief systems). Dweck đề xuất chúng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách bên dưới các tầng lớp nét nhân cách.
  • Những nhà học thuyết khác cho rằng các yếu tố như những mục đích (goals) và các chiến lược ứng phó (coping strategies) đóng vai trò chính trong việc định hình nhân cách.
“Niềm tin của con người bao gồm những đại diện tâm trí của chúng ta và những hoạt động của cái tôi (self), các mối quan hệ và của thế giới chúng ta. Từ thời thơ ấu, con người phát triển những niềm tin và tính đại diện, và nhiều nhà học thuyết nhân cách nổi bật của các trường phái khác nhau đều thừa nhận chúng là một phần cơ bản của nhân cách”, Dweck giải thích trong một bài báo năm 2008.
Tại sao lại tập trung trên niềm tin? Trong khi việc thay đổi niềm tin không hề dễ dàng, nó cung cấp một khởi đầu tốt. Niềm tin của chúng ta định hình rất nhiều cuộc sống của chúng ta, từ cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác, cách thức chúng ta hoạt động trong cuộc sống hằng ngày, cách thức chúng ta đối phó với các thách thức trong cuộc sống, và cách thức chúng ta kết nối với người khác. Nếu chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi thật sự trong niềm tin, nó sẽ tác động mạnh mẽ lên hành vi của chúng ta và có thể là trên một số khía cạnh của nhân cách chúng ta.
Ví dụ: niềm tin rằng cái tôi (self) bao gồm các thuộc tính nhân cách (personal attributes) và những đặc tính cố định hoặc dễ uốn nắn. Nếu bạn tin rằng trí thông minh của mình ở một mức cố định thì bạn không có khả năng đào sâu tư duy trước một vấn đề ban đầu bạn không hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng những đặc tính có thể thay đổi, bạn sẽ có khả năng thực hiện nỗ lực lớn để thử thách bản thân và mở rộng tâm trí của bản thân.
Rõ ràng, niềm tin về cái tôi đóng một vai trò quan trọng trong chức năng hoạt động của con người, nhưng các nhà nghiên cứu tìm ra rằng con người có thể thay đổi niềm tin mềm dẻo hơn để tiếp cận các thuộc tính của cái tôi. Trong một thực nghiệm, các sinh viên có mức đánh giá cao về học lực, điểm trung bình cao, và tổng thể luôn vui vẻ hơn trong trường khám phá ra rằng não bộ tiếp tục hình thành các kết nối mới tiếp thu các kiến thức mới.
Nghiên cứu của Dweck chứng minh rằng cách thức đứa trẻ được đánh giá cao có thể tác động đến lòng tự tin của chúng. Những người được ca ngợi về trí thông minh có xu hướng giữ niềm tin có tính giả thuyết về những thuộc tính nhân cách cá nhân của họ. Những đứa trẻ này được xem có trí thông minh là thuộc tính không thay đổi. Còn đứa trẻ được ca ngợi về những nỗ lực của chúng, mặt khác thường xem trí thông minh dễ uốn nắn. Theo Dweck tìm thấy thì những những trẻ này có xu hướng tồn tại khi đối mặt với khó khăn và háo hức hơn để học hỏi điều mới.

Vậy làm thế nào để thực sự thay đổi nhân cách của bạn?

Thay đổi từ một người hướng nội sang hướng ngoại là cực kỳ khó khăn (và gần như không thể), nhưng có những điều mà các chuyên gia tin rằng bạn có thể tạo ra sự thay đổi thực sự và lâu dài đối với các khía cạnh nhân cách của bạn.
  • Tập trung trên sự thay đổi thói quen của bạn. Các nhà tâm lý học đã tìm ra được những người cho thấy những nét nhân cách tích cực (chẳng hạn như tốt bụng và trung thực) phát triển những phản ứng thói quen nhất định. Thói quen có thể được học hỏi, vì vậy thay đổi những phản ứng thói quen ngày này sang ngày khác tạo ra sự thay đổi nhân cách. Tất nhiên việc hình thành mới hay làm mất đi thói quen cũ không bao giờ là dễ dàng và đòi hỏi mất nhiều thời gian và nỗ lực nghiêm túc. Với sự thực hành đầy đủ, những mô thức hành vi cuối cùng sẽ trở thành bản chất thứ hai của chúng ta.
  • Thay đổi niềm tin về chính bản thân mình. Nếu bạn tin rằng bạn không thể thay đổi thì bạn sẽ không thể thay đổi. Nếu bạn muốn hòa nhập với mọi người mà bạn tin rằng tính hướng nội của mình là cố định không thể thay đổi thì bạn đơn giản là không cố gắng để hòa đồng hơn. Nhưng nếu bạn tin rằng các thuộc tính nhân cách của bạn có thể thay đổi, bạn có nhiều khả năng nỗ lực để giao du hòa nhập với nhiều người hơn nữa (dù lúc đầu rất gượng gạo, khó khăn).
  • Tập trung trên tiến trình. Nghiên cứu của Dweck chỉ ra rằng hãy ca ngợi nỗ lực hơn là nói về khả năng hiện hữu. Thay vì nghĩ “tôi rất thông minh” hay “tôi rất tài năng” hãy thay bằng những câu như “tôi đã làm việc cần cù” hay “tôi đã tìm ra cách hay để giải quyết vấn đề đó”.
  • Giả vờ có nó cho tới khi bạn có nó. Nhà tâm lý học tích cực Christopher Peterson sớm nhận ra rằng tính cách hướng nội của mình có thể là một cản trở cho sự nghiệp học thuật của ông. Để khắc phục điều này, ông bắt đầu quyết định làm các hành động hướng ngoại trong các tình huống nhất định, như giảng bài cho một lớp học đầy sinh viên, hay tham gia thuyết trình tại các hội nghị. Cuối cùng, những hành vi này đơn giản trở thành “bản chất thứ hai”. Trong khi thấy bản thân vẫn là một người có xu hướng hướng nội, ông học được cách thức hướng ngoại trong những lúc ông cần phải thế.
Thay đổi nhân cách là điều khó khăn và thay đổi các nét nhân cách không bao giờ có thể trọn vẹn. Nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng có những điều bạn có thể thay đổi một phần nào đó trong nhân cách của bạn, những khía cạnh tồn tại bên dưới các nét nhân cách này, có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự về cách bạn hành động, suy nghĩ và các chức năng sống hằng ngày trong cuộc đời.

Tham khảo

1. Aronson, J., Fried, C. B., & Good, C. (2001). Reducing the effects of stereotype threat on African American college students by shaping theories of intelligence. Journal of Experimental Social Psychology, 1-13.
2. Dweck, C. S. (2008). Can personality be changed? Current Directions in Psychological Science, 17(6), 391-394.
3. McGowan, K. (2008, March 1). Second nature. Psychology Today. Retrieved from http://www.psychologytoday.com/articles/200802/second-nature
4. Mueller, M., & Dweck, C. S. (1998). Intelligence praise can undermine motivation and performance. Journal of Personality and Social Psychology, 75, 33-52.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét