Các nhà khoa học nhận định “ảo giác đứa bé” dưới đây có thể giúp ta lý giải nguyên nhân vì sao chúng ta thường thấy ảo giác – có liên quan đến các chứng bệnh loạn thần.
Đầu tiên, bạn hãy nhìn thật kĩ vào hình ảnh dưới đây.

Tôi đoán bạn chỉ đang thấy một hình đen trắng không có hình thù gì cụ thể cả, đúng không? Nhưng đừng vội phán đoán gì cả, hãy nhìn xuống tiếp hình ảnh bên dưới trong khoảng 15s, sau đó bạn hãy quay trở lại nhìn bức ảnh trên.

Bây giờ, có nhiều khả năng bạn sẽ nhìn thấy bức hình đen trắng không rõ ràng ở trên có hình dạng của đứa bé trong bức ảnh bên dưới mà bạn vừa nhìn.
Nhưng điều này thì có ý nghĩa gì cơ chứ? Các nhà khoa học tin rằng khả năng nhìn thấy đứa bé trong bức hình đen trắng này có thể giúp chúng ta hiểu được vì sao nhiều người dễ dàng gặp phải ảo giác – ảo giác có thể được cho là có liên quan đến một số chứng bệnh loạn thần thường gặp.

Các khoa học gia thuộc ĐH Cardiff và ĐH Cambridge (Anh) nói thêm, não bộ có thể khiến các hình ảnh và âm thanh không có thực trở nên rõ ràng và sống động hơn, do não bộ chúng ta có xu hướng dự đoán những gì sắp xảy ra.
Và hầu như mọi người đều ít nhất một lần trong đời từng trải nghiệm ảo giác này – nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự xuất hiện trong thời điểm hiện tại.
Nguyên nhân được biết là vì khi cần cảm nhận về thế giới xung quanh, não bộ sẽ tổng hợp rất nhiều thông tin, bao gồm vị trí hay địa điểm, và cả âm thanh…
Tuy nhiên khi không thể xác định rõ ràng những điều này, não bộ thường hay có xu hướng phân tích, dự đoán thông tin từ những cảm nhận mơ hồ của năm giác quan truyền đến.
Tiến sĩ tâm lý học Christoph Teufel thuộc ĐH Cardiff nói rằng: “Nhìn thấy hình ảnh là cả một quá trình xây dựng, hay đúng hơn não bộ chính là thứ đã tạo nên hình ảnh thế giới chúng ta đang thấy.
Não bộ sẽ tự động lấp đầy những khoảng trống, cho ta thấy hình ảnh một thế giới phù hợp với những gì não mong đợi”.
Giáo sư Paul Fletcher thuộc Khoa tâm thần ĐH Cambridge phát biểu bổ sung:“Sở hữu một bộ não có khả năng dự đoán rất hữu dụng – giúp chúng ta xác định một cách mạch lạc và rõ ràng về thế giới quan phức tạp bên ngoài.
Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể nhìn thấy những thứ không có thực – chính là ảo giác. Những ảo giác này cũng giống với cơ chế hoạt động của ảo giác ở những người mắc các chứng bệnh loạn thần”.

Não bộ có xu hướng tiên đoán những gì không thể nhìn thấy.
Để xác định chính xác xem khả năng dự đoán trước hình ảnh của não bộ có liên quan đến các chứng loạn thần hay không, các khoa học gia đã thực hiện một cuộc thí nghiệm với 18 ứng viên ngẫu nhiên. Nhưng 18 người này đều đã từng phải sử dụng đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hay các khóa điều trị tâm lý.
Họ muốn xác minh cụ thể xem những đối tượng này – cùng với một nhóm 16 ứng viên bình thường về mặt tâm lý khác – có thể sử dụng khả năng dự báo của não bộ trong các thí nghiệm ảo giác trong bức ảnh em bé ở phía trên không.
Kết quả cuối cùng cho thấy, nhóm những người mắc chứng loạn thần hay có khả năng mắc bệnh loạn thần có khả năng nhìn thấy những ảo giác này tốt hơn hẳn so với nhóm bình thường.
Naresh Subramaniam thuộc Khoa tâm thần ĐH Cambridge tâm sự:“Khám phá này rất quan trọng, vì có thể giúp ta hiểu hơn về những dấu hiệu của chứng loạn thần.
Đồng thời, thí nghiệm cũng cho thấy những triệu chứng này không phải là do não bộ bị tổn thương mà là vì não bộ muốn làm rõ những thông tin tiếp nhận không rõ ràng“.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí PNAS của Mỹ gần đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét